Pin là một trong những chủ đề rất được quan tâm khi nói về thiết bị di động, từ lúc máy mới ra mắt, máy mới mua về, trong suốt quá trình sử dụng và thậm chí cả khi... tắt máy. Và có khá nhiều " lời đồn" liên quan tới pin, chẳng hạn như: dùng sạckhác hãng có thể làm hỏng pin, không nên vừa dùng vừa sạc, chỉ nên sạc khi pin đã cạn sạch, nên sạc đầy 8 tiếng trong 3 lần dùng đầu tiên... Nhưng liệu có phải tất cả đều đúng và chúng ta đều nên làm theo những "lời khuyên" này?
Lời đồn 1: Dùng sạc khác hãng có thể làm hỏng pin
Đúng và sai. Nếu bạn dùng những cục sạc dỏm, sạc "lô", sạc nhái với giá cực rẻ thì việc hỏng pin là còn nhẹ, nó còn có thể làm máy phát nổ và bị cháy giống như nhiều trường hợp từng được báo chí đưa tin. Tuy nhiên, nếu bạn dùng sạc xịn, sạc do các nhà sản xuất cung cấp hoặc sạc do các hãng phụ kiện uy tín làm thì không có gì phải lo lắng cả. Nói cách khác, bạn hoàn toàn có thể dùng cục sạc iPhone sạc cho HTC, sạc Sony gắm vào máy Samsung, hoặc lấy cục sạc LG dùng với iPhone.
Thứ bạn cần để ý đó là liệu cường độ dòng điện có phù hợp hay không. Thông số này thường được ghi trực tiếp trên cục sạc, và bạn có thể ghi nhớ xem cục sạc chính hãng của mình là bao nhiêu Ampe (A) để so sánh với cục sạc khác hãng mà bạn định dùng. Nếu thấp hơn thì máy của bạn sẽ lâu đầy pin hơn, còn nếu cao hơn thì cũng không gây vấn đề gì. Tuy nhiên, nhà sản xuất luôn có một mức điện thế và cường độ khuyên dùng (ghi trong tài liệu hướng dẫn sử dụng), và bạn nên dùng cục sạc nào có thông số giống như vậy. Những cục sạc khác thì chỉ dùng khi cần kíp, ví dụ như qua nhà bạn gái mà máy hết pin thì mượn dùng đỡ thôi chứ không nên xài hằng ngày.
Một vài dòng điện thoại có sạc nhanh thì cần lưu ý, không phải cục sạc nào cũng hỗ trợ cho công nghệ sạc này. Không chỉ là cường độ cao là hỗ trợ sạc nhanh mà cần có con chip đặc biệt bên trong cục sạc nữa. Nếu bạn dùng cục sạc thường thì pin sẽ lâu đầy hơn.
Lời đồn 2: Không dùng điện thoại khi đang sạc
Sai. Khi đang sạc điện thoại, bạn hoàn toàn có thể sử dụng máy một cách bình thường! Hiểu lầm này xuất phát từ những bài báo nói về việc điện thoại bị nổ hoặc bị điện giật khi ai đó vừa dùng vừa sạc, ví dụ như tình huống của cô tiếp viên người Trung Quốc tên Ma Ailun hồi tháng 7/2013. Cô này đang xài iPhone 4 trong lúc sạc và đã bị điện giật. Tuy nhiên, việc điều tra sau đó cho thấy cô này dùng sạc dởm giá rẻ, không phải đồ được Apple chấp thuận và đó mới là nguyên nhân gây ra sự cố đáng tiếc.
Cũng cần lưu ý là nếu bạn vừa xài vừa sạc thì pin sẽ lâu đầy hơn, do lúc đó máy phải tiêu hao nhiều điện hơn cho CPU, RAM và các linh kiện khác. Thế nên, muốn máy sạc cho nhanh thì nên hạn chế dùng điện thoại lúc đó, còn lỡ mà có cuộc gọi hay tin nhắn gấp gì thì cứ trả lời thôi, chẳng sao cả.
Lời đồn 3: Sạc điện thoại qua đêm sẽ làm chết máy
Sai. Smartphone của bạn thực sự "thông minh" hơn so với những gì bạn nghĩ. Tất cả các nhà sản xuất ngày nay đã tích hợp một con IC để quản lý dòng điện và khi pin đầy thì máy sẽ tự động ngắt điện, không nhận dòng vào nữa. Cách đây khoảng 10 năm thì tình trạng chết máy do sạc còn diễn ra, chứ bây giờ thì không bị nữa, trừ khi bạn xài điện thoại của một hãng cùi bắp nào đó không làm cơ chế ngắt nguồn.
Một kĩ thuật viên của Apple và bộ phận hỗ trợ kĩ thuật của AT&T - nhà mạng bán được rất nhiều máy Android ở Mỹ - cũng đã khẳng định việc sạc qua đêm sẽ không gây tác hại gì cả. Chỉ cần bạn đừng cắm sạc liên tục từ ngày này qua ngày khác, từ đêm này qua đêm khác là được. Mà cắm sạc liên tục như thế thì làm sao bạn dùng điện thoại được, đúng không nào?
Lời đồn 4: Chỉ sạc pin khi nào pin cạn sạch (máy tắt ngúm)
Vào cái thời khoảng chục năm trước khi mà các thiết bị di động còn dùng pin NiMH và NiCd thì điều này hoàn toàn đúng. Bạn buộc phải xả hết pin từ 100% xuống 0% thì mới có thể giữ được lượng điện tích mà pin có thể lưu trữ. Đây gọi là hiệu ứng "memory" và nó được áp dụng để góp phần thông báo chính xác ch bạn biết dung lượng pin còn lại là bao nhiêu trong những lần sử dụng sau đó.
Nhưng ngày nay, smartphone, tablet và thậm chí là cả laptop đều đã chuyển hết sang dùng công nghệ pin Li-ion rồi. Và với công nghệ mới này, hiệu ứng memory không còn nữa. Bạn có thể sạc bất kì khi bào bạn cảm thấy cần, không phải đợi đến lúc pin cạn sạch. Trên trang hỗ trợ của mình, Apple thậm chí còn nhấn mạnh điều này và giải thích rằng chỉ những dòng máy cũ dùng pin Niken thì mới phải xả pin thôi.
Lời đồn 5: Nên sạc đầy máy 8 tiếng trong 3 lần đầu sử dụng
Không còn chính xác nữa. Lý do thì tương tự như trên: do pin NiMH và NiCd có hiệu ứng "memory" nên chúng ta mới phải cân chỉnh lại bằng cách sạc đầy trong 3 lần đầu xài. Còn với pin Li-ion ngày nay thì "chiêu" này không còn áp dụng được nữa, và cũng chẳng gây ảnh hưởng gì đến tuổi thọ pin của bạn.
Lời đồn 6: Dùng các ứng dụng task killer để kéo dài thời gian xài pin
Hiện nay các ứng dụng quản lý tác vụ không còn cần thiết nữa do iOS, Android, Windows Phone và cả BlackBerry đều có cơ chế tự động tạm ngừng các app không còn xài. Nói cách khác, khả năng đa nhiệm đã được kiểm soát chặt hơn rất nhiều so với khoảng 6-7 năm về trước và bạn không còn phải lo chuyện các app chạy nền sẽ gây hao pin.
Việc dùng các app task killer hay còn gọi là task manager thực chất còn gây ra những tác dụng tiêu cực. Chúng có thể tắt đi app mà bạn vẫn còn đang xài, như vậy bạn phải mất thời gian khởi động ứng dụng đó lên trở lại. Chưa hết, nếu tắt nhầm một tiến trình quan trọng nào đó của hệ điều hành thì còn có thể khiến máy trục trặc và buộc phải reboot lại. Do đó, nếu có dùng task killer thì bạn chỉ nên xài khi cần tắt app nào bị lỗi, bị đơ mà thôi.
Có thể bạn nói rằng dùng task killer để giải phóng cho RAM trống nhiều lên. Cũng được, nhưng để làm gì? Máy bạn có 2GB RAM mà bạn không cho nó dùng hết là sao, lại muốn dùng như khi máy có 1GB? Phần RAM trống là phần RAM đang vô dụng, còn RAM đầy là RAM đang được dùng cho mục đích tốt để giúp các app và hệ thống hoạt động. Nếu hệ điều hành cảm thấy rằng nó cần thêm RAM, nó sẽ tự động ngắt app và giải phóng dung lượng để xài, bạn không cần lo về chuyện đã được lập trình để tự động thực hiện.
Lời đồn 7: Gọi điện, lướt mạng, tải file sẽ làm điện thoại nhanh hết pin hơn
Lời đồn này thì lại chính xác. Khi bạn gọi điện, máy sẽ bắt đầu kích hoạt bộ thu phát sóng (radio) và đây là một trong những thành phần bán dẫn cần dùng điện nhiều nhất. Tương tự, nếu bạn dùng 3G thì radio 3G sẽ phải hoạt động và khiến máy nhanh hết pin hơn. Tuy nhiên, hầu hết các điện thoại mới hiện nay đều có mức hao pin nằm trong tằm kiểm soát chứ không còn như những chiếc smartphone đời đầu của nhiều năm trước nên bạn không cần quá lo lắng nữa. Máy mua về để xài cơ mà, không lẽ mua điện thoại về mà không được gọi điện, mua một cái smartphone 20 triệu về mà không được lướt web hay chơi Facebook?
Lời đồn 8: Bạn không bao giờ cần tắt điện thoại
Sự thật là điện thoại của bạn cũng là một cỗ máy, và nó luôn cần những khoản nghỉ ngơi. Lâu lâu nếu không sử dụng thì bạn nên tắt điện thoại đi, hoặc chí ít cũng nên khởi động lại nó. Không cần phải làm thường xuyên, một tháng một lần hoặc thậm chí cả hai tháng cũng không sao. Apple Genius cũng đưa ra lời khuyên tương tự. Tuy nhiên, nhiều khả năng là smartphone, tablet của bạn cũng sẽ gặp vấn đề gì đó trước khi bạn quyết định tắt máy, lúc này máy cũng sẽ tự khởi động lại mà thôi.
Lời đồn 9: Nhiệt độ có thể gây ảnh hưởng đến pin
Hoàn toàn chính xác. Bản thân viên pin Li-ion đã tự mình tỏa nhiệt, và lúc bạn sạc thì nó càng trở nên nóng hơn. Nếu bạn lại để máy trực tiếp dưới trời nắng gắt thì nhiệt độ khi đó lại càng lên cao hơn, và nhiệt độ quá cao như vậy có thể làm ảnh hưởng đến tuổi thọ linh kiện, sự kết dính của chân chip lên bo mạch và những thứ tương tự, từ đó gây tác động xấu đến tác động của chúng ta. Tương tự, nhiệt độ quá thấp cũng có thể làm thời lượng pin của máy không được như bình thường. Chẳng phải khi không mà tất cả mọi hãng sản xuất thiết bị công nghệ đều đưa ra một giới hạn nhiệt độ mà bạn được phép dùng máy. Ví dụ, Samsung là -20 độ C đến 50 độ C, Apple là -20 độ đến 45 độ C.
Tóm lại: một số lời khuyên từ Apple, Samsung như sau: