Các mẫu smartphone Samsung Galaxy A5 và A7 giả được bán với giá rẻ và đáng chú ý là có đầy đủ "giấy bảo hành TGDĐ, FPT Shop… trùng IMEI" và khi check IMEI qua SMS tới đầu số 6060 cũng ra hạn bảo hành chính hãng?
Mẫu Galaxy A5 bị tố là hàng giả, được các đối tượng lừa đảo rao bán dưới 4 triệu đồng trên mạng (Ảnh: bovosolo trên Nhattao.com)
Cụ thể, mẫu Galaxy A5 giả mạo này được tố là có hình thức "giống 96,69696969% luôn". Thậm chí, các mẫu fake này còn đầy đủ "giấy bảo hành TGDĐ, FPT Shop… trùng IMEI" và khi check IMEI qua SMS tới đầu số 6060 cũng ra hạn bảo hành chính hãng. Theo chủ nhân status cảnh báo trên Facebook, sở dĩ các đối tượng chọn mẫu Galaxy A5 bởi những người dùng nữ giới có vẻ ưa thích sản phẩm này và dễ bị qua mặt hơn.
Thực tế, tình trạng giả mạo các mẫu điện thoại đang diễn ra tràn lan trên thị trường, từ các mẫu iPhone cho tới các dòng cao cấp của HTC, LG… và bị nhái nhiều nhất có lẽ vẫn là các mẫu điện thoại của Samsung. Một phần là do các công ty sản xuất hàng fake này không thể cài App Store để truy xuất kho ứng dụng như iPhone thật nên dễ bị phát hiện. Trong khi đó, các mẫu điện thoại phổ biến của Samsung như dòng Galaxy S hay gần đây là Galaxy A trở thành mồi ngon của các đối tượng lừa đảo.
Tuy nhiên, việc giả mạo luôn cả phiếu bảo hành/hóa đơn mua bán của TGDĐ, VTA, FPT Shop… và qua mặt luôn bước xác thực IMEI (gửi qua SMS tới đầu số 6060) của mẫu Galaxy A5 fake gần đây quả là đáng lo ngại.
Lần theo những topic của các nạn nhân trên trang rao vặt Nhật Tảo, diễn đàn Tinh Tế cũng như Facebook, kịch bản của đối tượng là rao bán mẫu Galaxy A5 "chính hãng" với giá mềm hơn (dưới 4 triệu đồng, trong khi chính hãng thật là 7 triệu đồng) theo tình trạng "máy mới mua về sử dụng được ít ngày thì muốn đổi sang máy khác nên bán rẻ, còn fullbox và đầy đủ hóa đơn/phiếu bảo hành…", kịch bản là "có việc gấp nên giao dịch đâu đó ngoài đường cho tiện", khi kiểm tra qua loa cấu hình và bị mớ hóa đơn/phiếu bảo hành cũng như IMEI kia qua mặt thì ai cũng tin tưởng hoàn tất giao dịch và cầm máy về…
Mẫu hóa đơn giả được in toàn bộ bằng máy, nét in liền và không dùng giấy than
Nếu để ý kỹ, qua những ảnh chụp hóa đơn của các nạn nhân, có thể thấy chúng được làm giả khá rõ, trong khi các siêu thị điện máy đều sử dụng máy in kim (nét đứt) và giấy than để in lên mẫu hóa đơn có sẵn thì các đối tượng lừa đảo dùng thẳng máy in nét liền để in nguyên cả hóa đơn, ngay cả chữ ký cũng… bị in. Tuy nhiên, ít người mua để ý tới chi tiết này bởi chúng chỉ được "show" qua loa ngoài đường.
Sau khi bị "dính bẫy" giấy tờ, người mua lại tiếp tục bị đưa vào ma trận giả mạo khi IMEI của máy cũng bị qua mặt. Cụ thể, theo một số phản ánh trên mạng vừa qua, ngoài việc hộp và giấy tờ bảo hành/hóa đơn mua bán (giả) trùng IMEI thì khi kiểm tra số IMEI bằng cách nhắn tin tới đầu số 6060 (số kiểm tra IMEI chính hãng của Samsung Việt Nam) thì vẫn cho ra hạn bảo hành chính hãng như hàng thật. Đây là điểm đáng ngờ lớn nhất và khiến nhiều người bối rối ngay cả khi biết đó là hàng giả. Bên cạnh đó, một số máy sau khi khởi động lại hoặc reset factory lại thì số IMEI bị thay đổi?!?
Các Facebooker chia sẻ về mẫu máy giả Galaxy A5.
Theo các Facebooker, đây là "kiểu hàng ăn cắp linh kiện xong tự lắp ghép rồi đem bán, đúng hàng công ty luôn, check thì đúng hàng xịn, nhưng pin tụt ầm ầm". Thậm chí, một số thành viên phản ánh không chỉ mỗi Galaxy A5, A7, mà ngay cả dòng Grand Prime cũng bị nhái, đợt nhái này "giống i xì chứ không dại như mấy con S5 , S4 hàng fake đời cũ nữa".
Ảnh chụp một mẫu Galaxy A5 giả mạo tinh vi, do thành viên bovosolo trên Nhattao.com cung cấp (Nhấp vào ảnh để xem kích thước lớn)
Cách phân biệt hàng fake và hàng thật
Ttrước khi có những động thái và hướng dẫn chính thức từ Samsung, dựa theo tổng hợp của một số nạn nhân và những người mua bán có kinh nghiệm, bạn đọc có thể phân biệt các mẫu hàng "siêu fake" này qua các chỉ dẫn sau:
Phân biệt hàng fake của Galaxy A5 (ảnh từ Facebook Nguyễn Tùng Lâm)
+ Kiểm tra hóa đơn mua hàng, nếu hóa đơn chính hãng thì dùng mực than và được dập bằng máy in kim lên mẫu hóa đơn in sẵn nên các nét được in theo hạt chứ không liền mạch.
+ Fonts chữ trông "dại dại" , khoảng cách bố trí không hợp lý , màn thì cảm giác nhạt hơn nhiều so với A5 chuẩn (AMOLED).
+ Đèn flash bố trí lệch so với tâm , còn lại thì giống hệt hàng thật.
+ Dễ nhất là vào chế độ Download Mode (bằng phím âm lượng giảm + nguồn + home), nếu hiện ra chế độ Factory Mode toàn chữ Trung Quốc là máy fake (giả) chạy chip giá rẻ MediaTek, còn nếu ra chế độ Download Mode bình thường của Samsung là máy chuẩn.
+ Chạy các ứng dụng nặng kiểm tra có lag/giật không.
+ Cẩn thận khi máy quá rẻ, cũng không nên giao dịch ngoài đường hoặc các địa điểm công cộng như quán cafe, công viên...
- Theo VNReviews -