Máy giặt cửa ngang thường chỉ sử dụng khoảng 25% lượng nước so với máy giặt cửa trên. Đây là một khoản tiết kiệm đáng kể và có lẽ là một trong những lý do bạn chuyển sang dùng máy giặt cửa ngang. Tuy nhiên, thật không may, người dùng thường hiểu lầm và do đó có nhầm lẫn trong sử dụng vì các nhà sản xuất không giải thích rõ những đặc tính của máy.
Người dùng thường cũng không tìm hiểu và tự học hỏi về chiếc máy giặt mới của mình cũng như các phương pháp để có được chất lượng giặt tốt. Nhiều người mặc nhiên cho rằng các phương pháp mà họ sử dụng cho chiếc máy giặt cũ (máy giặt cửa trên) cũng có thể áp dụng cho máy giặt mới (máy giặt cửa ngang).
Dưới đây là 4 hiểu lầm thường gặp nhất:
1. Loại xà phòng giặt
Do chế độ hoạt động của trống giặt khác với máy giặt cửa trên, nhào lộn thay vì xoay tròn quần áo, nên máy giặt cửa ngang cần một loại xà phòng gọi là high efficiency (HE). Đó là một loại xà phòng có ít bọt để đảm bảo máy giặt cửa ngang hoạt động đúng cách. Chất tạo bọt chỉ có ý nghĩa làm cho người dùng có "cảm giác" giặt sạch hơn và thích hợp với giặt tay hơn, nó không đóng góp gì cho việc làm sạch quần áo. Xà phòng nhiều bọt sẽ khiến bọt trào ra ngoài thùng giặt, có thể làm hỏng các bộ phận của máy giặt. Ngoài ra, khi máy giặt xả nước sẽ tốn nước hơn để xả hết bọt xà phòng, thậm chí xả nhiều lần vẫn không hết lớp bọt. Chính vì vậy, đôi khi nhà sản xuất còn phải cho thêm chất khử bọt trong thành phần bột giặt để thích ứng khi dùng với máy.
Hãy tìm biểu tượng High Efficiency trên vỏ gói bột giặt để tìm đúng loại bột giặt dành cho giặt máy
Khi mua xà phòng dùng cho máy giặt (cả cửa ngang và cửa trên), hãy tìm các chữ cái 'h' và 'e' nằm bên trong một vòng tròn, đó là biểu tượng quy ước cho loại xà phòng này. Đừng cố sử dụng loại bột giặt/xà phòng thông thường vì nó rẻ hơn. Việc sử dụng xà phòng không đúng có thể dẫn tới không chỉ hiệu quả giặt kém đi, mà còn gây tình trạng xà phòng bị lưu lại trong các sợi vải của quần áo, trong lồng giặt, gây nấm mốc, mùi hôi, vết ố bẩn trên máy giặt.
2. Lượng bột giặt
Máy giặt cửa trước cần bao nhiêu xà phòng cho một lần giặt? Cách ước lượng tốt nhất là căn cứ vào lượng bột giặt bạn đã dùng với máy giặt cửa trên: một nửa số bột giặt đó là được.
Nếu sau một vài lần giặt với lượng bột giặt như vậy mà bạn cảm thấy hài lòng về độ sạch của quần áo, bạn có thể tiếp tục giảm thêm lượng bột giặt. Hãy thử lượng nước giặt/bột giặt bằng 1/4 cốc đong cho những lần giặt tiếp theo, bạn sẽ thấy quần áo vẫn rất sạch. Thực tế, nước giặt được ưa chuộng hơn bột giặt.
Phần lớn máy giặt cửa ngang đều có một ngăn đựng bột giặt, nước xả vải hoặc chất tẩy trắng, được đổ đầy trước khi bắt đầu chu trình giặt. Nhìn vào bên trong ngăn này bạn sẽ thấy một dấu hiệu chỉ rõ mức bột giặt nên dùng. Tuy nhiên, không nhiều người dùng để ý tới chỉ dấu này và do đó thường đổ vào quá nhiều bột giặt. Hầu hết người dùng không thể tin được tại sao máy giặt cửa ngang lại dùng ít bột giặt như thế, mức bột giặt này quá thấp nên nhiều người cho rằng nó không chính xác, hoặc không được đánh dấu một cách nghiêm túc, rằng nếu cho ít bột giặt như vậy thì máy sẽ giặt không sạch. Điều này là không đúng.
Lưu ý mức xà phòng tối đa bạn có thể sử dụng trên máy giặt
Sự nhầm lẫn này đôi khi là kết quả của việc so sánh mức bột giặt đánh dấu trong ngăn chứa với mức bộ giặt gợi ý được in trên thùng bột giặt bạn mua. Điều mà nhiều người không hiểu được là, khuyến nghị về mức bột giặt trên thùng bột giặt chỉ là gợi ý. Gợi ý đó dành cho tất cả các loại máy giặt của tất cả các hãng, tất cả các loại tải trọng, kích cỡ máy giặt, loại vải, nhiệt độ nước, cũng như hàm lượng khoáng chất có trong các loại nước. Các gợi ý đó không dành riêng cho loại máy giặt cửa ngang của bạn và không phải là nhu cầu cá nhân của bạn.
Ngay cả độ cứng của nước khu vực bạn ở cũng ảnh hưởng đến lượng chất tẩy rửa cần thiết. Nước cứng hơn (nhiều khoáng chất như canxi, magie…) cũng sẽ đòi hỏi nhiều bột giặt hơn, nước mềm hơn thì cần ít bột giặt hơn. Ngoài ra, loại chất tẩy rửa ảnh hưởng đến số lượng cần thiết cho mỗi lần giặt. Ví dụ, chất tẩy rửa dạng lỏng sẽ đòi hỏi lượng dùng ít hơn cho mỗi lần giặt hơn là loại bột.
3. Chất làm mềm vải
Một lần nữa, do máy giặt cửa trước dùng lượng nước rất ít nên lượng nước xả vải cũng phải hạ xuống đáng kể. Trên thực tế, không được dùng nước xả vải một cách trực tiếp đối với máy giặt cửa ngang. Nghĩa là, trước khi đổ nước xả vải vào ngăn chứa, bạn cần pha loãng nó với nước trước.
Tỉ lệ pha loãng được đề nghị là 7-1, tức là 7 phần nước, một phần nước xả vải. Cách dễ nhất là để làm điều này là trộn hỗn hợp trong một bình chứa riêng, một bình miệng rộng cũ nào đó có nắp vặn. Bạn đổ vào bình một tách nước xả vải và sau đó đổ tiếp 7 tách nước sạch, đóng nắp lại và xóc đều lên. Hỗn hợp sau khi trộn này bạn có thể dùng cho khoảng 50 mẻ giặt.
4. Nhiệt độ nước
Cuối cùng, bạn nên tránh giặt bằng nước lạnh trừ khi bạn đang giặt những món đồ nhạy cảm với nhiệt. Đó là bởi vì sự kết hợp giữa lượng nước rất ít và nước lạnh trong suốt quá trình giặt có thể sẽ không rửa trôi được hết lượng xà phòng khỏi các sợi vải. Điều này có thể dẫn đến việc quần áo của bạn bị sờn, mòn và phai màu. Giặt bằng nước lạnh cũng có thể khiến xà phòng, nước xả vải bị lưu lại bên trong lồng giặt và lâu ngày tích tụ tạo ra nấm mốc và mùi hôi. Nấm mốc và mùi hôi sẽ phát triển mạnh đến mức lây sang quần áo, làm cho quần áo của bạn bị hôi bẩn ngay khi vừa giặt xong.
Lưu ý, ở đây là giặt bằng nước nóng chứ không phải xả bằng nước nóng. Giặt bằng nước nóng và sau đó xả bằng nước lạnh là tốt, hoặc giặt bằng nước ấm và xả bằng nước lạnh. Chỉ nên tránh giặt và xả đều bằng nước lạnh. Trường hợp xấu nhất là khi người dùng kết hợp giữa việc giặt bằng nước lạnh với rất nhiều xà phòng và tiếp theo là nước xả vải "nguyên chất". Điều này có thể dẫn tới mùi nấm mốc và gần như không thể loại bỏ.
Như vậy, mặc dù máy giặt cửa ngang hoạt động hiệu quả với việc tiêu thụ rất ít nước nhưng nó đòi hỏi bạn phải có một sự điều chỉnh nho nhỏ trong cách sử dụng. Hãy làm theo các gợi ý ở trên, bạn sẽ có thể tận dụng tối đa hiệu quả của máy giặt cửa ngang, đồng thời tiết kiệm đáng kể các chi phí cho gia đình.
Nguồn: Ngọc Mai - VNReview